Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Chuyện sa thải nhân viên

Vào đầu năm nay, Jobsite, một trang web   tuyển dụng   trực tuyến của Anh, đã tiến hành điều tra 2000 người trước khi đi đến kết luận về những nguyên nhân khiến người lao động nói lời chia tay với nhà   tuyển dụng   . Kết quả là cứ 3 nhân viên nghỉ việc thì có đến 2 người đưa ra lý do không thể hòa hợp với tập thể, không thể thâm nhập vào văn hóa công ty. Cách tốt nhất để giải quyết là nhà tuyển dụng cần chú ý đánh giá khía cạnh này ngay từ giai đoạn tiếp xúc với ứng viên trong thời gian phỏng vấn. Tuy nhiên, nhiều công ty lại cho rằng cần có một khoảng thời gian nhất định để thử thách rồi đưa ra câu trả lời cũng chưa muộn.

Tại sao nhân viên mới ra đi?

Việc không thể hòa nhập vào môi trường làm việc có nguyên nhân bắt nguồn từ cả 2 phía là nhà tuyển dụng và ứng viên: nhà tuyển dụng luôn đặt ra những câu hỏi quen thuộc có sẵn và ứng viên cũng đáp lại bằng những câu trả lời theo mẫu cho trước. 54% ứng viên than phiền rằng họ không nhận được thông tin đầy đủ và bản thân họ cũng bị nhà tuyển dụng hiểu sai, chưa kể có đến 91% ứng viên chỉ nói những gì mà họ cho rằng nhà tuyển dụng muốn nghe.

Như vậy, vô hình chung cả 2 phía đã làm đối phương nhầm lẫn về các kỹ năng, phẩm chất của mình và sự thật chỉ hé lộ khi quyết định đã được chấp nhận, ứng viên trở thành nhân viên chính thức của công ty.

Tất nhiên, việc ứng viên có hòa đồng được với tập thể hay không là rất quan trọng, nhưng điều này quả thực rất khó xác định dựa trên những cuộc phỏng vấn. Vì thế, đôi khi người ta phải nhờ đến sự trợ giúp của một số trắc nghiệm tâm lý, dù biết trước rằng mức độ chính xác của những kết quả thu được chỉ là tương đối. Không ít nhà tuyển dụng lại có ý kiến khác. Họ cho rằng khi bản thân không phải là chuyên gia phân tích tâm lý, thì phương pháp đơn giản và an toàn hơn cả đối với họ vẫn là tiến hành buổi phỏng vấn tiêu chuẩn và đặt những câu hỏi tiêu chuẩn. Ở đây, điều quan trọng đối với nhà tuyển dụng là tìm hiểu về động cơ và những nguyên nhân thực sự khiến ứng viên chọn công ty của họ chứ không phải bất cứ công ty nào khác.

Khả năng hòa nhập của nhân viên mới vào môi trường văn hóa tập thể đã hình thành trước đó sẽ được bộc lộ hoàn toàn trong thời gian thử việc. Thực tế cho thấy, đa số các “lính mới” không vượt qua được giai đoạn khó khăn này không phải vì lý do nhà tuyển dụng không hài lòng với kỹ năng chuyên môn của họ, mà chính là vì họ không thể quen được với phong cách làm việc và hoạt động của tập thể mới. Như thế, mọi việc quay trở lại từ đầu với quá trình   tìm kiếm   , sàng lọc và tuyển dụng…

Để tránh những quyết định tuyển dụng không mang lại hiệu quả khi nhân viên mới nhanh chóng ra đi, có công ty đã để cấp trên trực tiếp của bộ phận có vị trí cần tuyển dụng đến tham gia phỏng vấn, có nơi yêu cầu ứng viên thử làm việc trong một vài ngày. Tuy nhiên, điều này ít xảy ra, vì các công ty đều e ngại ứng viên, dù chỉ trong thời hạn ngắn ngủi và với trình độ không phù hợp, sẽ tiếp cận được những bí mật kinh doanh của mình.

Giải pháp sáng suốt nhất có lẽ là đặt ra những tiêu chuẩn của riêng mình, nghĩa là thiết lập hệ thống các giá trị sao cho toàn bộ nhân viên có thể nắm bắt và thấu hiểu, bao gồm khả năng dàn xếp quan hệ với tất cả đồng nghiệp trong công ty, các giá trị tinh thần, khát vọng thay đổi và phát triển, sự quan tâm chân thành đối với mọi người. Việc ứng viên có phù hợp và chấp nhận những giá trị này hay không sẽ trở nên rõ ràng sau khi kiểm tra và phỏng vấn. Nếu ứng viên thể hiện bản thân là một chuyên gia siêu hạng, nhưng lại không phù hợp với văn hóa công ty, thì gần như chắc chắn là anh ta sẽ không có được cái gật đầu của nhà tuyển dụng: bao giờ cũng vậy, các công ty cần bảo vệ sự toàn vẹn của nền tảng văn hóa đã được tập thể nhân viên của mình dày công xây đắp và họ không chấp nhận đánh đổi văn hóa công ty để lấy một ứng viên có vẻ hoàn hảo .

Còn nhân viên cũ bị sa thải vì lý do gì?

Có đến 95% xác suất các công ty không sa thải nhân viên chỉ vì lý do đang có những người với khả năng tương đương và chấp nhận mức ưu đãi thấp hơn muốn ứng cử vào vị trí của anh ta. Thế nhưng vì sự không trung thành với công ty, từ nhân viên hợp đồng đến giám đốc điều hành đều phải trả giá đắt.

Nguyên nhân chủ yếu của đa số các quyết định sa thải là không hoàn thành nhiệm vụ. Theo thống kê của dự án phát triển   nhân sự   do Begin Group tiến hành, có đến 45% số trường hợp bị sa thải là vì lý do này, trong đó không loại trừ những nhà quản lý cao cấp không đáp ứng được kỳ vọng của các chủ đầu tư.

Số giám đốc bị cho thôi việc vì lý do không trung thành với công ty có phần ít hơn. Kết quả điều tra cho thấy, số nhân viên bị sa thải vì không trung thành hay không thể hòa hợp với văn hóa công ty chiếm 12%. Cũng cần nói thêm rằng bộ phận nhân sự luôn cảm thấy khó khăn mỗi khi phải quyết định cho các nhà quản lý cao cấp nghỉ việc, bởi tập thể cần có thời gian để làm quen và thích nghi với phong cách làm việc của nhà quản lý mới, chưa kể hoạt động thường nhật có thể bị ảnh hưởng xấu.

Hơn 20% công ty được hỏi đã thừa nhận rằng họ buộc phải nói lời chia tay với nhân viên của mình do những vấn đề phát sinh trong quá trình kinh doanh. Việc mất mát nhân sự còn làm các công ty đau đầu hơn, nếu những người từng nắm giữ các vị trí quan trọng trước kia nay chuyển sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh, nhưng bù lại, chỉ có 5% số công ty sa thải nhân viên vì lý do tìm được ứng viên đòi hỏi mức   lương   thấp hơn.

Lại có những trường hợp sa thải gây ra không ít ngạc nhiên và hoàn toàn không mang tính điển hình. Ví dụ có công ty quyết định cho nhân viên nghỉ việc chỉ vì lý do các nhân viên này thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử và Internet vào mục đích các nhân. Tính chất thiết thực của vấn đề làm cho America Management phải tiến hành cuộc nghiên cứu nghiêm túc với sự tham gia của 1100 nhân viên văn phòng ở nhiều công ty khác nhau trên khắp nước Mỹ. Kết quả cho thấy, có đến ¾ số người được hỏi thừa nhận đã để công việc chậm trễ đáng kể chỉ vì sử dụng Internet.

(Quantri.Vn)

Hậu trường nghề làm sếp nhận lương nghìn đô ở Việt Nam

Khám phá cuộc sống đầy áp lực song không ít nỗi buồn của các CEO mới thấy hết những hy sinh, đánh đổi của dòng nhân sự cao cấp có mức lương ít nhất 8 con số.

Tại các nền kinh tế phát triển, CEO được coi là một nghề chuyên nghiệp nhưng ở thị trường Việt Nam, nơi tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn vị trí quan trọng này lại do chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm. Tuy nhiên, dù là một CEO chuyên nghiệp hay một CEO kiêm nhiệm thì sứ mệnh là người quyết định thành, bại của công ty, đồng thời đại diện cho doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về tài chính và pháp luật, các CEO bắt buộc phải đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực để làm tròn vai trò của mình. Theo thống kê từ các CEO trong danh sách 500 công ty của Standard & Poor (S&P), trên thế giới, thời gian bình quân của một nhân sự bình thường thăng tiến thành CEO (TGĐ điều hành) là 16 năm. Nhưng thực tế, theo chia sẻ của nhiều CEO Việt, thời gian tôi luyện nên một CEO giỏi không có giới hạn và con số trên dưới chục năm học hỏi và rèn giũa chỉ là để một nhân sự bình thường hiểu và thực hành những công việc để trở thành một CEO mà thôi.



Tại Việt Nam, CEO được cho là ngành đem về thu nhập khủng, bên cạnh một số nghề hot như phi công, tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, nghề làm sếp không vinh quang như nhiều người vẫn nghĩ. Theo chia sẻ của một nữ CEO 3 công ty chuyên về đào tạo nhân sự tại TP.HCM, thời gian học hỏi sẽ co lại khi nỗ lực nhiều lên. “Tôi mất 6 năm để từ một chủ doanh nghiệp trở thành CEO cho 3 công ty của mình. Không được đào tạo để làm một CEO nên thời gian đầu là giai đoạn mông lung, căng thẳng, vừa làm vừa mò, những quyết định đưa ra mang tính cảm hứng, thiếu bài bản. Do áp lực, tôi từng phải bước chậm lại 1 năm, thuê người khác về làm CEO còn mình chuyên tu học và trải nghiệm. Cho tới bây giờ, thay vì 6 năm, tôi hoàn toàn có thể rút ngắn thành 1 - 1,5 năm nhưng bù lại, sẽ phải gắng sức nỗ lực gấp nhiều lần”, nữ CEO này chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận, 6 năm qua chỉ đủ để chị đảm đương vị trí CEO kiêm nhiệm ở trình độ… tàm tạm và cần thời gian nhiều hơn nữa để hoàn thiện.

Và ngay cả với những CEO được đào tạo chuyên nghiệp, trải nghiệm qua nhiều môi trường kinh doanh ở nước ngoài, khi về nước vẫn không khỏi sốc với vị trí tương đương. Một CEO ở Nhật nhiều năm được chủ doanh nghiệp kinh doanh mảng công nghệ và thương mại điện tử tại Việt Nam mời về đã buộc phải ra đi chỉ sau chưa đầy 2 năm cống hiến. Nguyên do không đến từ khả năng chuyên môn mà được anh cho biết là do “chưa học đủ để trở thành một CEO Việt”. Vị này tâm sự, “mang tiếng” là CEO nhưng không được toàn quyền thực hiện chức năng của mình mà thường phải chịu sự chi phối từ nhiều ý kiến chủ quan của một vài thành viên VIP trong HĐQT. Và điều quan trọng nhất anh nhận ra rằng ngoài mảng đối nội thì đối ngoại trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng rất khác, không thể dựa trên những nguyên tắc và kinh nghiệm trong môi trường kinh doanh trước đó. “Tôi từ chức 1 năm để đảm nhận một vị trí dễ thở hơn. Toàn bộ lương tháng của tôi hiện chỉ vừa đủ, có khi thiếu cho những ‘khóa học’ kỹ năng mềm như giao lưu với các lãnh đạo cấp cao thông qua nhiều hội nhóm của các VIP như hội tập lái trực thăng, hội tennis, hội đua thuyền… Và học phí cho những ‘khóa học’ khủng này cũng tương đương với đẳng cấp của các VIP đứng đầu những tập đoàn, tổ chức lớn”, vị này chia sẻ. Giàu tài chính nhưng nghèo thời gian, sức khỏe và hạnh phúc Theo chia sẻ của một chuyên gia săn đầu người nhiều năm kinh nghiệm ở Việt Nam, mức lương tháng hầu hết các doanh nghiệp trả cho các CEO không bao giờ dưới 8 con số. Và thực tế, rất nhiều CEO mà chị biết có mức lương 9 con số. Bên cạnh lương, nhiều CEO giỏi còn được hưởng vô vàn quyền lợi đồng hành cùng hợp đồng đầu quân cho doanh nghiệp như quyền sở hữu nhà đất, cổ phần trong công ty, những chế độ đãi ngộ đặc biệt cho bản thân và gia đình… Nhưng vấn đề lớn nhất các CEO gặp phải lại chính là khoảng thời gian hiếm hoi trong ngày, thậm chí trong tháng để tận hưởng những lợi lộc ấy. “Ngày sinh viên, tôi từng ước khi có nhiều tiền sẽ đầu tư cho những sở thích cá nhân như đi du lịch, mua xe đẹp, chơi đồ hiệu. Vậy nhưng tới khi kiếm đủ để thỏa mãn tất cả thú vui ấy cũng là lúc tôi nhận ra mình không có thời gian cho chúng. Tiền vẫn vào tài khoản nhưng công việc luôn phát sinh, luôn cần mình giải quyết, thời gian cho cá nhân quá nghèo. Tôi từng chia tay 2 mối tình cũng vì không có thời gian để yêu”, CEO 30 tuổi của một công ty thương mại điện tử ở Hà Nội chia sẻ.

Áp lực công việc lớn với thời gian làm việc bất thường, không phân biệt ngày/đêm, ngày nghỉ/ngày thường nên để có sức khỏe và duy trì cân bằng cuộc sống, nhiều CEO buộc phải lên lịch tập thể dục và thư giãn cho bản thân như những nguyên tắc vàng để tồn tại. Tuy nhiên, các nguyên tắc này không phải ai cũng có thể áp dụng thành công. “Tôi thức dậy lúc 4h30 sáng mỗi ngày để tập thể dục nhưng hành động đầu tiên lại là check mail rà soát các vấn đề nóng phát sinh, tự nhủ ‘rèn luyện sức khỏe có thể kết hợp trong các trận tennis nhẹ nhàng với đối tác’. 5 phút dành cho vệ sinh cá nhân. 5 phút cho ăn sáng. Sau đó là tất cả thời gian cho vô vàn đầu việc trong ngày. Làm việc tới 20h, nhiều tối phải gặp gỡ đối tác và thường xuyên về nhà sau 21h, các con tôi đã ngủ, vợ từ lâu cũng không còn cằn nhằn chuyện giờ giấc nữa. Những lúc ấy, tôi thật sự thấy mình cô đơn và có lỗi. Nhưng sau một đêm, tất cả lại nguyên như cũ. Nhiều lần tôi cũng muốn cải tổ nhưng không có thời gian, có lẽ phải tới khi về hưu tôi mới có thể có một cuộc sống khác”, một CEO 42 tuổi tâm sự. Anh kể thêm, cách đây không lâu có nghe chuyện về một tổng giám đốc “rất dị” của một công ty chuyên về đấu thầu xây dựng. Nhờ nhân cách tốt, lèo lái công ty vượt bão kinh tế, duy trì tăng trưởng ổn định, lương thưởng và đãi ngộ nhân viên xứng đáng, vị này được cấp dưới rất quý mến. Vào ngày sinh nhật của anh, mọi người tổ chức chu đáo với hi vọng đem đến cho tổng giám đốc bất ngờ lớn. Tuy nhiên, nhân vật chính “lặn mất tăm”. Vào cuối ngày, cán bộ nhân viên nhận được “thư cảm ơn” với nội dung ngắn gọn: “Điều tôi mong ước cả năm chỉ là có 1 ngày cho riêng mình, trong không gian của mình để cân bằng lại. Cảm ơn tất cả các anh chị em! Mọi người đừng lo lắng, hiện tôi đang ở chùa”. Vậy mới thấy, với các CEO, dù giàu có nhưng thời gian, sức khỏe và hạnh phúc luôn là điều xa xỉ.

Nguồn Zing News  

0 nhận xét :

Đăng nhận xét